logo99

vi en china

lastpic1

CHUYỂN GIÁ

    Trong bài viết này chúng ta không trình bày dạng học thuật và chi tiết mà chỉ bàn luận ở mức vĩ mô nhưng chuyên sâu như một sự chia sẽ kinh nghiệm thực tiễn nhằm giúp người đọc hiểu thật sâu về chuyên đề này. 

    Đầu tiên, có một lời khuyên là trước khi tiếp cận một quy định hay bất kỳ vấn đề gì mới, chúng ta không nên theo thói quen là đọc ngay vào chi tiết, vì như vậy sẽ rất khó nắm bắt và dễ bị rối. Điều ta cần làm trước tiên là phải tìm hiểu thật rõ về nội dung chung của quy định và mục đích của quy định bằng cách trả lời 2 câu hỏi quan trọng: Câu thứ nhất là nội dung mà văn bản này nói về là gì? Chúng ta phải hiểu rõ nội dung chung mà văn bản muốn nói về một cách thật rõ ràng sáng tỏ trước. Và câu thứ hai là tại sao phải có văn bản này? Vì bất cứ điều luật nào được đưa ra đều phải có lý do, phải cho mục tiêu nào đó, nếu không có lý do gì thì không ai đặt ra quy định để làm gì. Trả lời câu hỏi thứ 2 sẽ cho chúng ta một sự hiểu biết về văn bản hay quy định này ở một mức cực kỳ sâu sắc. Tất nhiên để làm điều đó chúng ta cần một sự đầu tư suy ngẫm ở mức cao hơn, đứng trên góc độ của người viết ra quy định để nắm bắt mục đích của quy định. Điều này giúp cho ta nắm được ý tứ và mục tiêu của người đưa ra quy định, từ đó ta dễ dàng áp dụng quy định trong thực tiễn hiệu quả hơn. Khi đã tìm hiểu và trả lời được 2 câu hỏi trên một cách thỏa đáng ở mức chung trước thì khi vào tìm hiểu các điều khoản chi tiết của văn bản chúng ta sẽ dễ dàng nắm bắt và cũng giúp ta lưu lại những vấn đề này trong đầu lâu hơn, sâu hơn.   

Để hiểu giao dịch liên kết là gì và tại sao phải quản lý nó thì ta cần phải hiểu “Chuyển giá” là gì? Định nghĩa chung của chuyển giá là: một sự chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp nhằm tối thiếu hóa số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp từ đó tối ưu hóa lợi nhuận của tập đoàn. Vậy thì ai là đối tượng chuyển lợi nhuận và chuyển như thế nào? Câu trả lời là các "các đối tượng có quan hệ liên kết" ở các nơi có thuế suất khác nhau sẽ chuyển lợi nhuận qua lại để tối thiểu hóa thuế phải nộp của toàn nhóm. Các đối tượng có quan hệ liên kết sẽ thực hiện việc chuyển lợi nhuận thông qua các “giao dịch liên kết”. Vậy ở đây ta cần tiếp tục tìm hiểu tiếp “Các bên có quan hệ liên kết” là gì? Và “giao dịch liên kết” là gì?   

    Vậy như thế nào là các đối tượng có quan hệ liên kết? Các bên có quan hệ liên kết trong NĐ 132 quy định có 9 mục (chi tiết đọc điều 5 NĐ 132 và một số điều chỉnh trong NĐ 20) nhưng tựu chung có thể phân ra chỉ 2 nhóm.

    Một nhóm là các Công ty chịu quyền kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp của bên khác hoặc các Công ty cùng chịu quyền kiểm soát bởi một bên khác. Đây là nhóm bên liên kết chính thức và phổ biến gọi là bên liên kết do chịu tác động bởi các quyền kiểm soát. Ví dụ: Một Công ty A ở Đài Loan mở 2 Công ty con, B ở Việt Nam và C ở Samoa. Như vậy A với B và A với C là bên có quan hệ liên kết do chịu quyền kiểm soát trực tiếp (A trực tiếp điều hành B và C vì A là Công ty mẹ của B và C). Ngoài ra ở đây thì B và C cũng là các bên có quan hệ liên kết do cùng chịu kiểm soát bởi A – gọi là các bên liên kết cùng tập đoàn.

    Nhóm còn lại mà luật quy định là các bên liên kết tạm gọi là nhóm khác, gồm Công ty và các cá nhân điều hành Công ty; Công ty và các đối tượng bảo đảm hoặc hỗ trợ về tài chính dài hạn cho Công ty (đọc cụ thể trong điều 5 NĐ 132 và một số điều chỉnh trong NĐ 20). Thực sự việc kiểm soát giao dịch giữa một Công ty với các nhóm này là không cần thiết, vì mục đích chuyển lợi nhuận để tối thiếu hóa thuế phải nộp thông qua giao dịch với các đối tượng này là hoàn toàn không rõ ràng, tuy nhiên quy định đã đưa ra thì chúng ta cũng phải năm để chấp hành.   

    Như vậy ở trên ta đã hiểu rõ các bên có quan hệ liên kết là gì, vậy nếu trong năm giữa các bên này có các giao dịch mua bán qua lại với nhau thì những giao dịch này được gọi là “giao dịch liên kết”. Vậy giao dịch liên kết là các giao dịch giữa các bên liên kết với nhau trong năm tài chính. Các giao dịch này có thể là mua bán hàng hóa, thành phẩm nguyên vật liệu, vay cho vay, góp vốn chuyển nhượng vốn…. Tuy nhiên chỉ có loại giao dịch liên kết mua bán hàng hóa, thành phẩm hoặc nguyên vật liệu là phức tạp và cần quan tâm vì nó ẩn chứa nguy cơ chuyển giá thông qua giao dịch này rất cao, các giao dịch còn lại thường đơn giản rõ ràng không có gì đáng nói.

    Sau khi đã hiểu rõ thế nào là các bên liên kết, và thế nào là giao dịch liên kết, tiếp theo ta cần tìm hiểu xem các bên liên kết sẽ sử dụng giao dịch liên kết để chuyển lợi nhuận qua lại từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp như thế nào? Vì giao dịch liên kết là giao dịch giữa các Công ty được thành lập bởi cùng một nhà đầu tư hay một nhóm các nhà đầu tư có quan hệ với nhau, đó là một nhóm các Công ty có lợi ích chung, vì vậy các Công ty này sẽ dễ dàng thỏa thuận với nhau để điều chính giá mua bán trong các giao dịch. Chỉ cần thông qua việc điều chỉnh giá giao dịch trong các giao dịch liên kết họ có thể chủ động điều chỉnh được lợi nhuận chảy về bên nào, và việc này được gọi chung là “Chuyển giá”. Việc chuyển giá này thường chỉ phát sinh giữa các Công ty có vốn nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam với các Công ty liên kết ở nước ngoài. Vì sao vậy, vì chỉ có các Công ty ở các quốc gia khác nhau thì mới chịu các mức thuế suất khác nhau, vì vậy mới có việc chuyển lợi nhuận từ quốc gia có thuế suất cao sang quốc gia thuế suất thấp. Việc chuyển giá giữa các Công ty trong cùng lãnh thổ Việt Nam là không phổ biến. 

    Các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chỉ với một mục đích duy nhất là tối tiểu hóa chi phí sản xuất. Vì giá nhân công và tiền thuê đất ở Việt Nam là rất rẻ so với thế giới, nên họ chỉ đầu tư vào Việt Nam vì muốn giảm chi phí sản xuất, họ không bao giờ muốn để lợi nhuận và nộp thuế tại Việt Nam. Mô hình của các nhà đầu tư nước ngoài thường là họ đầu tư thành lập Công ty con ở Việt Nam, xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam, sau đó Công ty con này sẽ nhập nguyên vật liệu từ Công ty mẹ hoặc từ các nguồn khác ở nước ngoài nhưng cũng do Công ty mẹ chi phối để sử dụng nhân công tại Việt Nam sản xuất ra thành phẩm, sau đó Công ty con sẽ xuất bán lại hầu như toàn bộ thành phẩm này cho Công ty mẹ hoặc các đối tác ở nước ngoài khác trong cùng tập đoàn, rất hiếm khi họ tiêu thụ các sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Vì chi phí sản xuất tại Việt Nam là rất rẻ nên nếu các Công ty con tại Việt Nam thực hiện các giao dịch mua bán đúng giá thị trường thì hầu như họ không thể lỗ. Tuy vậy đa phần các Công ty có vốn đầu từ nước ngoài tại Việt Nam đều báo lỗ hoặc lãi rất ít, điều này thể hiện đa phần giá mua bán trong các giao dịch liên kết họ thực hiện là không phù hợp với giá thị trường. Để hiểu rõ hơn về việc các Công ty này điều chuyển lợi nhuận thông qua việc điều chỉnh giá trong giao dịch liên kết như thế nào ta xem xét ví dụ sau:

    Một Công ty A ở Đài Loan mở hai Công ty con: B ở Việt Nam và C ở Samoa. Thuế suất ở đảo Samoa hầu như bằng không. Trong năm Công ty con B tại Việt Nam nhập 100% nguyên vật liệu chính từ Công ty mẹ ở Đài Loan để sản xuất sản phẩm, sau đó xuất khẩu bán 100% thành phẩm sản xuất cho Công ty C ở Samoa. Như vậy trong năm Công ty B ở Việt Nam có hai luồng giao dịch liên kết một là các giao dịch nhập nguyên vật liệu từ Công ty mẹ và hai là các giao dịch bán thành phẩm xuất khẩu cho Công ty C cùng tập đoàn ở Samoa. Ở đây nếu Công ty B muốn chuyển lợi nhuận về cho Công ty C thì B đơn giản chỉ cần bán thành phẩm cho C với giá bán thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Khi B nhập nguyên vật liệu từ Công ty mẹ A đúng giá tức là giá vốn là theo thị trường nhưng khi bán thành phẩm ra với giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thì doanh thu sẽ rất thấp, chắc chắn dẫn đến lỗ. Ngược lại với Công ty C ở Samoa khi mua sản phẩm từ B với giá rất thấp nên giá vốn sẽ rất thấp, sau đó C sẽ bán các sản phẩm mua được từ B ra thị trường theo đúng giá thị trường nên doanh thu sẽ cao hơn nhiều so với giá vốn, điều này làm cho Công ty C tại Samoa sẽ có lợi nhuận rất lớn, phần lợi nhuận này thực tế là được chuyển từ Công ty B ở Việt Nam sang. Tuy vậy vì tại Samoa thuế thu nhập doanh nghiệp là bằng không nên C không cần đóng thuế dù có lời bao nhiêu. Thông qua thủ thuật như trên B và C đã hoán đổi lợi nhuận cho nhau từ đó B tránh được phần thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tại Việt Nam, tính trên phương diện tập đoàn thì họ đã tránh được một khoản chi phí thuế rất lớn. Đây cũng là lý do tại sao gọi chuyển giá tức là chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp.   

    Như vậy ở trên ta đã hiểu được các Công ty hoàn toàn có thể thực hiện việc chuyển giá thông qua giao dịch liên kết để tránh thuế, vì vậy các quy định về quản lý các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết mới được thiết lập. Vì đối với Doanh nghiệp thì họ muốn tối thiểu hóa thuế phải nộp, nhưng ở phương diện người thu thuế thì họ lại muốn thuế phải được nộp đúng và đủ. 

    Vậy quy định kiểm soát việc chuyển giá như thế nào? Muốn trả lời câu hỏi này ta cần nhớ lại mấu chốt của chuyển giá. Chuyển giá phát sinh giữa các bên liên kết thông qua giao dịch liên kết, trong đó giá giao dịch trong các giao dịch liên kết là không phù hợp với giá thị trường. Nếu giá giao dịch trong giao dịch liên kết cũng giống như giá trong các giao dịch chung trên thị trường thì toàn bộ việc mua bán đều phù hợp với thị trường, khi đó kết quả kinh doanh sẽ là kết quả phù hợp, không bị tác động chủ quan có mục đích giữa các bên liên kết. Vì vậy Cơ quan thuế chỉ nhắm đúng vào mấu chốt này để đưa ra các biện pháp quản lý đối với Công ty có phát sinh giao dịch liên kết. Đó là với các Công ty có phát sinh giao dịch liên kết đầu tiên là phải kê khai giao dịch liên kết, sau đó phải chứng minh giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường. Việc chứng minh giá trong các giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường chính là trọng tâm của các quy định về quản lý chuyển giá. Công ty phải tự chứng minh điều này thông qua một bộ hồ sơ lưu trữ các bằng chứng để chứng minh, tạm gọi là bộ hồ sơ xác định giá thị trường. Khi Cơ quan thuế kiểm tra Công ty phải có trách nhiệm gửi bộ hồ sơ này cho các Cán bộ thuế theo quy định. Tuy nhiên theo quy định thì chỉ những Công ty nào có giao dịch liên kết và doanh thu trong năm từ 50 tỷ trở lên hoặc tổng giá trị giao dịch liên kết lớn hơn 30 tỷ thì mới cần làm bộ hồ sơ này. Những Công ty chưa tới mức trên thì chỉ cần kê khai giao dịch liên kết, nhưng không cần làm bộ hồ sơ chứng minh. Đối với bộ hồ sơ chứng minh giá giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường thì không có quy định thời hạn nộp cụ thể như đối với các tờ khai thuế, đây là hồ sơ Công ty tự lưu trữ, khi có quyết định thanh tra chuyển giá thì lúc đó chính là lúc cần nộp bộ hồ sơ này. 

    Các phương pháp để chứng minh giá trị trong các giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường cũng được đề cập nhiều trong các quy định về chuyển giá, tuy nhiên có thể chia làm hai nhóm chính đó là: 

- Thứ nhất là so sánh trực tiếp giá bán của cùng một sản phẩm với bên liên kết và với các bên độc lập trên thị trường. Phương pháp này là một cách trực diện nhất để chứng minh rằng giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên phương pháp này lại rất khó thực hiện, vì trong một năm một Công ty có thể bán hoặc mua rất nhiều mặt hàng khác nhau với nhiều bên khác nhau. Việc thu thập giá cho từng mặt hàng khi bán hoặc mua với các bên độc lập và các bên liên kết để so sánh là hầu như không thể, vì quá nhiều mặt hàng có bán hoặc mua với bên này mà không với bên khác, hoặc các điều kiện mua, bán hàng là không tương đồng, vì mua, bán nội địa thì khác nhập khẩu, xuất khẩu vì vậy giá không thể giống nhau. Chính vì điều này nên phương pháp này tuy trực diện nhưng không mấy khi sử dụng được, nó chỉ sử dụng được trong những điều kiện đơn giản nhất định.

- Thứ hai là so sánh tỷ suất lợi nhuận với các Công ty cùng ngành. Đây là phương pháp được sử dụng chính để chứng minh giá trong giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường. Phương pháp này ta cần tìm tối thiểu năm Công ty độc lập, cùng ngành có hoạt động kinh doanh tương đồng, sau đó đối chiếu tỷ suất lợi nhuận trong cùng kỳ của Công ty với các Công ty này. Nếu tỷ suất lợi nhuận là phù hợp thì coi như kết quả hoạt động của Công ty là phù hợp với các Công ty độc lập và tương đồng trên thị trường, từ đó chứng minh gián tiếp giá trong các giao dịch liên kết là phù hợp với giá thị trường. 

    Ở đây chúng ta chỉ tìm hiểu cách thức chung để thực hiện bộ hồ sơ xác định giá thị trường là như vậy. Còn muốn nắm thêm chi tiết như: Công ty tương đồng là như thế nào, tỷ suất lợi nhuận dùng để đối chiếu là tỷ suất gì, và đối chiếu như thế nào…. thì mọi người có thể đọc trong quy định cụ thể. Tuy nhiên ý tưởng và cách thức chung chỉ là như vậy. Trong trường hợp Công ty không thể chứng minh được giá giao dịch trong các giao dịch liên kết phát sinh trong năm là phù hợp với giá thị trường, hoặc những số liệu mà Công ty dùng để chứng minh là không phù hợp với quy định thì Cơ quan thuế có quyền ấn định tỷ suất lợi nhuận cho Công ty để tính ra mức lợi nhuận phù hợp với thị trường, đồng thời tính lại thuế phải nộp theo mức lợi nhuận này. Tuy nhiên mức tỷ suất lợi nhuận mà Cơ quan thuế dùng để ấn định cho Công ty cũng phải được chứng minh, tính toán trên cơ sở phù hợp với những quy định trong Nghị định 132 và Nghị định 20.

Trên đây là toàn bộ những hiểu biết chung về chuyển giá, hy vọng với chia sẻ này người đọc có thể phần nào hiểu được một cách tổng thể các khái niệm, các cách thức cũng như các quy định về chuyển giá để có thể dễ dàng hơn trong việc áp dụng vào thực tiễn.

CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN FTAC

Trụ sở chính : Tầng 3, Tòa Nhà An Phú Plaza, 117-119 Lý Chính Thắng, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành Phố Hồ Chí Minh

Văn Phòng Tân Bình: 11B Hồng Hà Phường 2 Tân Bình TP.HCM

Hotline: 0906713480 - 0394455680

Email: viet.hb@ftac-audit.com

  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU
  • CÔNG TY TNHH KIỂM TOÁN VÀ TƯ VẤN TÀI CHÍNH TOÀN CẦU

Bản Đồ

top.png